Bài làm
Trong kho tàng ca dao Việt Nam, có rất nhiều chủ đề khác nhau. Có bài ca dao nói về cách ứng xử trong cuộc sống, có những bài ca dao lại là những bài đồng dao tái hiện những sự kiện hàng ngày, cũng có những bài ca dao là tiếng cười hài hước sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong các bài ca dao, có những bài đồng dao dành cho thiếu nhi, có những sự kiện sự việc rất lạ, gây được hứng thú cho các em, đồng thời cũng gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm của ông cha ta. Một bài đồng dao trong các bài thuộc chủ đề này đó là bài: “Bao giờ cho đến tháng ba….Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông”.
Mở đầu bài ca dao là lời nói về thời gian xảy ra đối với những sự việc trong bài ca dao:
“Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”
Bao giờ cho đến tháng ba – một câu hỏi, cũng như là một câu thông báo ,rằng đến tháng ba sẽ có một số sự kiện rất hay, rất vui, rất bất ngờ. Và đúng như thế, sau đó là một loạt những sự kiện lạ lùng:
“Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng,
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quá hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà be rượu nuốt người lao đao”
Một loạn những hiện tượng lạ được kể ra. Ếch luôn là con mồi của rắn, thì đến tháng ba lại có thể cắn lại rắn, tha ra đồng xử lí. Bình thường lợn là một con vật hiền lành, được người nuôi, luôn ở trong chuồng và bị hùm ( cọp) đe dọa, rình rập. Vậy mà khi tháng ba tới, hùm lại trở nên thân thiết với lợn, nằm cho lợn liếm lông, như là hai con vật đang gần gũi, đùa giỡn với nhau.
Không chỉ các con vật có hành động ngược lại những gì thường ngày, mà cả con người và những vật dụng xung quanh cũng vật. Con gà, nắm xôi, quả hồng thường là đồ ăn cho người, vậy mà đến giờ, quả hồng “nuốt” ông lão tám mươi, nắm xôi lại “nuốt” đứa trẻ, con gà lại “nuốt” người say rượu. Hồng là loại quả khi chín có màu đỏ hồng rất đẹp, và còn rất mềm, phù hợp cho những người cao tuổi ăn. Tiếp đến là nắm xôi, đó là thức ăn rất quen thuộc đối với các em nhỏ. Chúng có thể xuất hiện trong đám cỗ, cũng có thể xuất hiện vào các bữa ăn sáng thường ngày. Hai hình ảnh đầu là hai hình ảnh nói đến tuổi trẻ và tuổi già với những đồ ăn thức uống quen thuộc. Nhưng đến hình ảnh tiếp theo, đó là hình ảnh một người say rượu lao đao, không còn tỉnh táo, đi không vững, mồm luôn miệng nói những từ, những câu không rõ ràng. Đó thật là một hình ảnh không đẹp, đáng lên án. Ông cha ta có câu: “Nam vô tửu như kì vô phong”, tuy nhiên, đó không phải là cái cớ để cho những người thường xuyên say rượu bao biện cho mình. Uống rượu quá nhiều sẽ khiến cho người đó mất tỉnh táo, gây hại cho chính mình và những người xung quanh. Đây là ý phê phán một cách kín đáo của ông cha ta thông qua những câu ca dao trên.
Ở đoạn tiếp theo của bài ca dao là những hình ảnh rất quen thuộc của đồng quê Việt Nam:
“Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn cỏ lác rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi đánh diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông”
Lại là một loạt các hình ảnh ngược lại với ngoài đời thực. Trúm là vật dụng dùng để bắt lươn, vậy mà giờ lươn lại nằm cho trúm bò vào. Cào cào vốn bị cá rô đuổi bắt, thế mà ở đây lại đuổi theo như đòi ăn thịt cá rô. Trâu, bò là động vật ăn cỏ, ăn rơm, ăn lúa, vậy mà giờ bò lại bị lúa mạ nhảy lên ăn, trâu thì bị các loại cỏ mình thường hay ăn rình mò để bắt. Tiếp đến, là một hình ảnh khác của loài động vật dễ thương-gà con. Gà con là đối tượng rất hay bị diều hâu săn đuổi, vì chúng vô cùng yếu ớt, chưa có khả năng tự bảo vệ cho mình và chống lại diều hâu. Thế nhưng trong bài ca dao này lại được đuổi đánh diều hâu, như một kết cục có hậu, kẻ xấu bao giờ cũng bị thua, bị đánh đuổi. Cũng tương tự như thế, bồ nông và chim ri đánh nhau, chim ri luôn là kẻ thua, nhưng trong bài ca dao này thì chim ri lại có thể đuổi đánh, thậm chí đuổi đánh vỡ đầu.
Bài ca dao sử dụng toàn bộ những hình ảnh rất gần gũi, thân thiết với đời sống hàng ngày. Có những hình ảnh tốt, cũng có những hình ảnh ẩn trong đó là sự phê phán nhẹ nhàng. Tháng ba là tháng cuối cùng của mùa xuân, là khi người nông dân chuẩn bị bước vào gieo cấy, đó là mùa sinh sôi nảy nở, mùa của sự sống. Ông cha ta lồng ghép trong đó một mơ ước về sự thay đổi tốt đẹp hơn, một cơ hội mới tốt hơn.
Bài ca dao là một bức tranh, cung cấp những kiến thức cho trẻ em một cách vô cùng đặc biệt: sử dụng cách nói ngược và một số các biện pháp nghệ thuật khác, khiến cho bài ca dao có nhịp điệu, giúp cho trẻ em dễ nhớ và dễ thuộc hơn. Từ đó, các em hiểu hơn về thế giới xung quanh mình, cũng như thêm yêu quê hương đất nước mình hơn. Đó chính là những bài học đầu tiên, như cội nguồn của dòng suối để nuôi dưỡng lên những người con yêu nước, những thế hệ xây dựng đất nước trong tương lai.